Cần biết người tiêu dùng muốn biết gì, cần kiểm chứng thông tin từ nông dân và cần người nối thông tin trong chuỗi quy trình.
“Tôi đang làm việc với các nông dân trồng cà phê ở Khe Sanh, Quảng Trị. Người nông dân hái từng hạt cà phê tươi xuống, nhưng đấy chỉ là trái tươi thôi. Sau đó phải có người mua trái tươi, người làm khô, rang xay. Giữa các công đoạn đó hạt cà phê qua tay người vận chuyển, thương lái. Sau cùng cần người làm thương hiệu rồi mới chuyển sang thị trường Mỹ.”
Đó là tâm sự của ông Bùi Huy Bình – CEO TraceVerified tâm sự tại diễn đàn Vietnam Blockchain Summit 2018 được tổ chức mới đây tại Hà Nội.
“Trái cà phê ở đấy hoàn toàn không có thuốc bảo vệ thực vật, những người làm cà phê rất chân thật,” ông Bình nói.
Theo CEO TraceVerified, rất cần ứng dụng blockchain vào truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng ở Mỹ có thể hiểu được sự chân thật đó của người nông dân Việt.
Ông Bình nêu ra 3 điểm cần để blockchain thực sự được ứng dụng rộng rãi vào truy xuất nguồn gốc nông sản.
Cần biết người tiêu dùng muốn biết gì
Ông Bình nêu ví dụ, “Cây cà phê có thể được trồng từ 10 năm, 15 năm trước đây, ra hoa từ tháng 2 đến tháng 10 mới thu hoạch.”
“Vậy thì sẽ ghi về cây cà phê đó từ lúc nào?” ông Bình đặt câu hỏi.
Theo CEO TraceVerified, muốn ghi như thế nào trong nhật kí sản xuất thì trước hết, cần biết người tiêu dùng cần thông tin gì.
Trong quá trình 8 năm làm việc tại TraceVerified, ông Bình cho hay người mua tại Việt Nam thường đặt những câu hỏi:
“Quá trình trồng như vậy có đủ an toàn hay không? Có sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật hay không? Có đủ được tiêu chuẩn hay không?”
Theo ông, một khi thông tin minh bạch được đính kèm với sản phẩm, người tiêu dùng có thể sẵn sàng trả thêm tiền cho giá trị thông tin mà họ nhận được, từ đó tăng giá trị cho nông sản và tăng thu nhập cho người nông dân.
Cần kiểm chứng thông tin từ nông dân
Biết người mua muốn biết những thông tin gì rồi, nhưng ghi những thông tin đó như thế nào cũng là một vấn đề lớn. Blockchain lưu trữ dữ liệu tốt hơn, minh bạch hơn, nhưng “truy xuất nguồn gốc nông sản phụ thuộc vào dữ liệu đầu vào,” theo đại diện CEO TraceVerified.
“Kết hợp với đưa thông tin và kiểm chứng thông tin thì blockchain sẽ có được thông tin đúng, tốt. Chứ không phải cứ lưu lưu lưu mà không biết thông tin đó như thế nào. Có khi khóa nó lại thì là khóa một đống rác trong đấy thì vô nghĩa,” ông Bình nói.
Vì thế, thông tin được các bên lưu trữ cần được kiểm chứng bởi bên thứ 3, như cơ quan chức năng, hay hiệp hội. Và làm được điều này không hề đơn giản.
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Long – Giám đốc Chiến lược Infinity Blockchain Labs thì nhận định:
“Khi doanh nghiệp đưa thông tin lên blockchain, bản thân họ phải chịu trách nhiệm với những thông tin đó. Như vậy, tới một lúc có vấn đề xảy người ta sẵn sàng thấy được trách nhiệm thuộc về ai. Chúng ta nhanh chóng xác định được phạm vi, vấn đề xảy ra là gì.”
Cần người nối thông tin trong quy trình từ nông dân đến người tiêu dùng
Và cuối cùng, thông tin từ các khâu từ nông dân đến người tiêu dùng sẽ được quản trị như thế nào?
Chỉ từ một ví dụ về hành trình của hạt cà phê, có thể thấy sản phẩm phải qua nhiều khâu khác nhau mới đến được tay người tiêu dùng: người vận chuyển, thương lái, người làm khô, rang xay, chế biến, người bán lẻ, người làm thương hiệu…
Ông Bình cho hay, nếu cập nhật tất cả các thông tin trên thì “sẽ đầy khó khăn cho người nông dân.”
“Cần tìm người nối thông tin đó lên,” ông Bình nói.
Hơn nữa, CEO TraceVerified nhận định liên kết chuỗi trong nông sản Việt còn yếu.
“Khó khăn với nông nghiệp Việt Nam là tính quy trình của hệ thống. Quy trình trong một nhà máy có thể tạm ổn. Nhưng đa phần nhà máy mua nguyên liệu từ thương lái. Các siêu thị mua đầu vào rau, trái cây cũng phụ thuộc vào nhà cung cấp. Chưa biết được sau nhà cung cấp đó là ai…”
“Tôi nghĩ rằng cái quan trọng nhất, trước khi có blockchain hay gì là một quy trình rõ ràng,” ông Bình kết luận.