Để khách hàng có thể biết đến bạn thì điều kiện đầu tiên chính là bạn phải thu hút được họ. Để thu hút được họ thì bạn phải để họ biết được bạn là ai, bạn như thế nào, sản phẩm của bạn là gì,… Hay tinh gọn lại… Thương hiệu của bạn là biểu tượng cho điều gì?
Xây dựng nhận thức cho người khác về sản phẩm mình sản xuất chính là xây dựng hình ảnh thương hiệu. Khi họ có đủ nhận thức về sản phẩm mà bạn tạo nên thì mong muốn trải nghiệm sản phẩm của họ sẽ tự động kích hoạt. Như khi nhắc đến nước giải khát có ga thì nghĩ liền đến Pepsi, Coca-Cola,… vì trong nhận thức của ta có sự liên kết sâu giữa tên gọi và đối tượng liên quan. Điều này đơn giản như khi chúng ta gọi tên nhau vậy. Nhắc đến tên người đó là ta mường tượng được trong đầu đối tượng đấy là ai. Vậy làm thế nào để khi nhắc đến 1 loại nông sản mà người ta nhớ ngay đến thương hiệu của bạn?
Hãy sẵn sàng thấu hiểu bản chất của thương hiệu để có thể xây dựng thương hiệu của bạn hiệu quả nhất có thể. Các yếu tố cốt lõi nào tạo ra sức lan tỏa của “Thương hiệu”…!?
Nhắm đến phạm vi đối tượng nào?
Khi ta khoanh vùng phạm vi đối tượng mà ta muốn hướng đến thì các thông tin và tầm nhìn của ta lên phạm vi đó được mở rộng và chi tiết hơn như khi ta phóng to bản đồ vậy, càng zoom thì càng nhìn rõ chi tiết về địa điểm mình nhắm đến. Việc này giúp ta xác định rõ các mục tiêu và xây dựng định hướng hợp lý. Quan trọng nhất vẫn là xác định được đối tượng cụ thể mà ta hướng đến là gì. Nếu ta không xác định rõ thì sẽ dễ rơi vào tình trạng lan man, định hướng không rõ ràng thì mọi diễn tiến theo sau cũng sẽ không nhất quán. Thêm vào đó ta cũng sẽ không thể thấu hiểu sâu sắc khách hàng của mình, từ đó mất dần sự kết nối giữa doanh nghiệp và khách hàng. Khi ta phát huy được hết công năng của các thị trường mục tiêu một cách trọn vẹn thì có thể nghĩ đến việc phổ biến nó sang nhiều thị trường khác… Từng bước từng bước bám vào tầm nhìn mà doanh nghiệp xác định rõ.
Mang nét riêng nhưng phải hài hòa với cái chung
Giả sử có 100 củ khoai tây từ 100 quốc gia khác nhau, nhưng hết thảy 100 củ khoai này đều giống nhau hoàn toàn từ chất lượng đến hình dáng, giá trị,… Vậy thì làm sao ta có thể phân biệt được đâu là củ khoai đến từ quốc gia Việt Nam nếu ta không tạo ra được sự khác biệt? Do đó, để tạo dựng thương hiệu thì sự khác biệt của sản phẩm làm ra là yếu tố cốt lõi. Tuy nhiên, sự khác biệt này không thể hiểu như cái riêng độc lập tách biệt. Lấy lại ví dụ trên, nếu 100 quốc gia cùng đưa lên sản phẩm khoai tây của mình, vì muốn tạo yếu tố khác biệt thì Việt Nam đưa ra củ khoai lang thay vì khoai tây… Sự khác biệt này không mang lại ý nghĩa gì mà chỉ đơn thuần là hiểu sai vấn đề.
Trên hành trình xây dựng đặc trưng riêng của thương hiệu thì ta sẽ có vô tận các ý tưởng về xây dựng hình ảnh và nội dung. Nhưng sự đổi mới này chỉ mang ý nghĩa khi nó hòa được vào cái chung chứ chẳng phải là để thể hiện sự khác biệt. Vì nếu bạn tạo dựng thương hiệu quá riêng biệt với phần còn lại của thế giới thì sẽ mất đi sự kết nối và đây là con đường tự đào thải chính mình. Nên rằng xây dựng đặc tính riêng cho doanh nghiệp cần nhiều sự tinh tế và hài hòa giữa các tiêu chí… Dưới đây là vài ví dụ về việc tạo nét riêng cho thương hiệu một cách hợp lý.
+ Apple trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới đối với các sản phẩm sáng tạo của họ.
+ Khi nhắc đến sự khác biệt trong phục vụ, Pizza Domino đảm bảo rằng bánh pizza của họ sẽ đến trong 30 phút.
+ Khi nhắc đến ngân hàng là ta nghĩ ngay đến quốc gia Thụy Sĩ vì tính chất mật danh, bảo mật và thậm chí là nơi rửa tiền…
Sức trụ
Tất cả mọi gợi ý, mọi kiến thức, mọi thông tin,… sẽ là vô nghĩa nếu bạn không thể kiên trì bằng tất cả tâm lực… Bằng tất cả sự chân thành, tôi không nghĩ yếu tố để duy trì mục tiêu là đam mê như phần lớn tất cả đều nghĩ. Chúng ta hay ví von đam mê như ngọn lửa và ca tụng điều đó như thể nó chính là chìa khóa cho sự thành công. Nhưng đã ví von thì phải thấu hiểu cho tới cùng, đã là ngọn lửa thì nó có thể tắt bất kỳ lúc nào… Người ta chỉ tô vẽ nó khi nó còn hừng hực nhưng chẳng ai nói về cái giá phải trả khi ngọn lửa đam mê tắt ngúm cả. Trước khi ta bắt đầu xây dựng 1 mục tiêu gì, hãy chắc chắn rằng bạn đủ thấu hiểu và có tầm nhìn về nó. Đam mê có thể cho bạn động lực, nhưng riêng nó vẫn chưa đủ để giúp bạn sáng suốt trong mọi quyết định. Nên tôi vẫn tin rằng sự thấu hiểu, tầm nhìn và trách nhiệm trước khi bắt đầu kiến tạo 1 điều gì đó mới thực sự là nguyên nhân cốt lõi của những thành tựu.
Sản phẩm truy xuất được nguồn gốc và đồng nhất
Làm thế nào để đảm bảo được chất lượng cà phê được xuất khẩu có chất lượng giống với cà phê được sản xuất ngay chính tại vùng đất mà nó xuất xứ, làm sao để chắc chắn rằng chất lượng không bị giảm đi trong quá trình vận chuyển? Làm sao có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm đó đến từ đâu? Đây vừa là khó khăn vừa là cơ hội để bạn ổn định được thương hiệu trên thị trường. Điều này lệ thuộc vào khả năng quản lý của mỗi từng doanh nghiệp…
Bản lĩnh thích nghi
Cạnh tranh là lẽ thường tất yếu trong cuộc sống, dù bạn là chủ doanh nghiệp hay là một người xin việc bình thường, hay thậm chí là 1 học sinh thì đều không thoát khỏi những môi trường cạnh tranh tương ứng. Không có sự cạnh tranh trui rèn gọt giũa giữa các đối thủ với nhau thì lấy đâu ra cơ sở cho sự đổi mới và phát triển. Đó là quy luật tự nhiên mà ai cũng đều có thể nhận ra.
Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung cạnh tranh đấu đá cùng đối thủ thì bạn sẽ chẳng thể tập trung phát triển chính mình 1 cách tối ưu. Giống như khi bạn chạy đua với đối thủ, nếu bạn cứ chăm chăm ngó sang đối thủ thì sao có thể nhìn đường để chạy… Nhưng nếu không nhìn đối thủ thì sao ta học hỏi hay nhận biết đối thủ có ý đồ gì để có sách lược ứng biến? Làm thế nào để duy trì được sự cân bằng đó chính là bản lĩnh thích nghi của doanh nghiệp…
Lan tỏa thương hiệu phải tinh tế
Giả sử khi bạn đang tức giận và muốn yên tĩnh nhưng có vài người tiếp thị sản phẩm đến giới thiệu sản phẩm thì bạn có khó chịu không? Và nếu như người đó biết luôn việc bạn đang tức giận thông qua cảm xúc trên gương mặt nhưng họ vẫn cố ý tiếp cận bán hàng vì áp lực doanh số thì bạn sẽ cảm thấy thế nào?
Tiếp cận khách hàng là quan trọng nhưng cách thức tiếp cận và tâm lý thấu hiểu để có giải pháp tiếp cận hợp lý lại càng quan trọng hơn. Marketing có thể làm theo cách thô lỗ nhưng đồng thời cũng có thể làm nó trở nên thật chân phương. Điều này thể hiện giá trị thương hiệu… Thương hiệu có thể nổi tiếng nhờ vào những chiêu trò nhố nhăng, bất chấp để bán hàng nhưng cũng có thể nổi tiếng vì sự chỉn chu, uy tín và trách nhiệm… Gương mặt của doanh nghiệp và cách thế giới quan xung quanh đánh giá thương hiệu bạn thế nào là tùy vào định hướng của bạn.