Nhanh thôi mạng 5G sẽ tạo ra một sự thay đổi, một cuộc cách mạng lớn cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau trong đó có nền nông nghiệp.
Với tốc độ nhanh gấp 100 lần so với mạng 4G, mạng 5G sẽ được nhiều nước triển khai vào năm 2020 là một công nghệ mới nhất, hiện đại nhất trong công nghệ truyền dữ liệu đã được nhiều nước nghiên cứu và thử nghiệm trong các hoạt động canh tác và chăn nuôi nông nghiệp.
Truyền dữ liệu và giám sát vật nuôi thời gian thực
Các drone sử dụng mạng 5G đang hỗ trợ cải thiện năng suất khoai tây ở Hà Lan. Tại Nhật Bản, các cảm biến kết nối mạng 5G được sử dụng để giám sát nhiệt độ nước và nồng độ muối ở các trang trại nuôi hàu.
Mới đây nhất, tháng 3/2019 tại Anh cho ra mắt một ứng dụng tên là Me+too cho phép nông dân theo dõi các con bò sữa “được kết nối” và cập nhật hàng ngày về thông tin sức khỏe và các hoạt động của chúng. Mỗi con bò được đeo một chiếc vòng cổ có cảm biến 5G gửi mọi dữ liệu đến ứng dụng Me+too từ thức ăn đến giấc ngủ. Từ đó nông dân có thể cập nhật theo thời gian thực tình trạng sức khỏe của con bò để có phương pháp chăn nuôi, phòng ngừa dịch bệnh phù hợp.
Các chuyên gia cho rằng các trang trại thường có diện tích lớn và rất khó để giám sát, do vậy, ngành nông nghiệp chắc chắn được hưởng nhờ nâng cao hiệu quả các hoạt động thu thập dữ liệu từ xa bằng cách sử dụng sức mạnh kết nối và truyền dữ liệu của mạng 5G.
Các cảm biến sử dụng mạng 5G giám sát và cập nhật dữ liệu từ các cánh đồng, từ đó, giúp nông dân xác định thời điểm tối ưu để tưới tiêu, phun thuốc trừ sâu, phân bón, thu hoạch…
Nâng cao hiệu quả tự động hóa trong nông nghiệp
Một báo cáo gần đây của Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO) dự báo, để cung cấp thức ăn cho lực lượng dân số toàn cầu đang ngày càng tăng, thế giới cần phát triển thêm 70% sản lượng thực phẩm vào năm 2050 so với mức của năm 2009.
Báo cáo cho rằng để đáp ứng các nhu cầu thực phẩm của con người vào năm 2050, các nông dân cần các công nghệ mới để có thể gia tăng sản lượng trên một diện tích canh tác thấp hơn và sử dụng lao động ít hơn. Đó cũng chính là lúc ngành nông nghiệp cần áp dụng các công nghệ tự động hóa rộng rãi hơn.
Năm 2017, dự án 5G RuralFirst trở thành dự án đầu tiên trên thế giới gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch thành công một vụ mùa lúa mạch ở hạt Shropshire (Anh) với sản lượng 4,5 tấn mà không cần bóng dáng của con người trên cánh đồng. Dự án này có tên gọi Hands Free Hectare, chỉ sử dụng các máy móc tự hành và các drone để giám sát và chăm sóc ruộng lúa có diện tích 1 hecta.
Các máy kéo tự hành đảm nhận công việc gieo hạt, còn các drone được trang bị các cảm biến giúp giám sát vụ mùa. Các máy móc khác lấy các mẫu đất đai và lúa mạch để phân tích loại phân bón nào, loại thuốc trừ sâu nào cần sử dụng và sử dụng ở nơi đâu. Trong khi đó, máy gặt đập liên hợp tự hành đảm nhận công việc thu hoạch.
Dự án tiếp tục thành công trong năm 2018 và được hãng tin BBC trao Giải thưởng Thực phẩm tương lai. Giờ đây, dự án này đi một bước xa hơn bằng cách sử dụng công nghệ 5G để tăng mức độ chính xác và hiệu quả trong hoạt động phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón của các drone.
Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn