Những năm gần đây, rau, hoa và cây ăn quả được xác định là nhóm sản phẩm tiềm năng, mang lại kinh tế trong phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, bà con nông dân các huyện biên giới của Gia Lai đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích sản xuất cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Gia Lai có hơn 800 nghìn ha sản xuất nông nghiệp, trong đó có hơn 444 nghìn ha đất trồng cây hàng năm và hơn 357 nghìn ha đất trồng cây lâu năm. Gia Lai có điều kiện khí hậu, nguồn nước và thổ nhưỡng thích hợp để phát triển nhiều loại cây trồng, nhất là rau hoa và cây ăn quả.
Đến cuối năm 2020, thống kê được tổng diện tích rau gần 34 nghìn ha (tăng 27.6% so với năm 2015) và hình thành các vùng chuyên canh như: thành phố Pleiku, huyện Đak Pơ, thị xã An Khê. So với năm 2015 toàn tỉnh hiện có khoảng 18 nghìn ha cây ăn quả (tăng gấp 4.2 lần).
“Chìa khóa” để xuất khẩu nông sản
Để đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng tới xuất khẩu, ngành Nông nghiệp Gia Lai đang tập trung hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cho sản phẩm nông nghiệp. Tại huyện Mang Yang, Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai đang đầu tư trồng 1.400 ha chuối, 100 ha sầu riêng và 110 ha bưởi. Quy trình sản xuất được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; công ty còn đang tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để nông sản đủ điều kiện xuất khẩu. Đến nay công ty đã được cấp 4 mã số vùng trồng chuối, 5 mã số cơ sở đóng gói, đủ điều kiện để xuất khẩu sang các thị trường khác; cụ thể như xuất khẩu sang Trung Quốc 400 ngàn tấn chuối và Nhật Bản, Hàn Quốc hơn 800 ngàn tấn.
Tương tự, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn đã hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục và được Cục Bảo vệ thực vật cấp 7 mã số vùng trồng chuối và 3 mã số cơ sở đóng gói. Công ty cho biết chuối được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, ứng dụng công nghệ bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt, phun thuốc bằng máy bay không người lái, ghi chép đầy đủ nhật ký chăm sóc, thu hoạch theo từng lô, từng hàng. Ngoài ra công ty còn đầu tư hệ thống kho lạnh để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Nhờ có mã số vùng trồng, công ty đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc được hơn 10 ngàn tấn chuối, thay vì chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa hoặc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch.
Toàn tỉnh hiện có 55 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 5.775 ha, trong đó có 6 mã số vùng trồng xoài tại huyện La Pa, Chư Prông; 8 mã số vùng trồng thanh long tại huyện La Pa, Chư Prông, Mang Yang, la Grai, Chư Pưh, Chư Păh và thị xã An Khê; 10 mã số vùng trồng mít tại huyện Chư Prông, Mang Yang, Ia Grai, Chư Pưh, Chư Păh và thị xã An Khê; 22 mã số vùng trồng chuối tại huyện Chư Prông, Mang Yang, Chư Păh, Đak Đoa; 9 mã số vùng trồng dưa hấu tại huyện Chư Prông, Kbang, Krông Pa và thị xã Ayun Pa; 21 cơ sở đóng gói trái cây tại huyện Chư Prông, Mang Yang, Chư Păh, Ia Grai, Chư Sê, Đak Đoa. Các loại nông sản như: xoài, thanh long, mít, chuối, dưa hấu đủ điều kiện xuất khẩu theo đường chính ngạch qua thị trường Trung Quốc, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ. Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã gửi hồ sơ 8 mã số vùng trồng chanh leo, sầu riêng chờ cấp, 1 mã số cơ sở đóng góp; đang hoàn thiện hồ sơ 20 mã vùng trồng ớt, 2 mã số vùng trồng bưởi, 1 mã vùng trồng sầu riêng.
Đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói
Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp triển khai xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để sản phẩm nông nghiệp của địa phương cạnh tranh bình đẳng trên thị trường quốc tế. Để được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng đủ các tiêu chí về diện tích, an toàn thực phẩm, kiểm soát sinh vật gây hại và biện pháp quản lý, có sổ tay ghi chép nhật ký vùng trồng, và áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).
Hiện nay một số doanh nghiệp liên kết với người dân các xã: Phú An, Tân An, Cư An, Yang Bắc để xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cho cây ớt. Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn đang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân về các quy trình xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Qua các buổi tập huấn, đa số hộ dân đồng thuận và mong muốn sớm xây dựng được mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để các sản phẩm nông sản của bà con có thể xuất khẩu.
Để được tư vấn về cấp mã số vùng trồng, vui lòng liên hệ với TraceVerified qua thông tin:
– Số điện thoại: 0912501139
– Email: info@traceverified.com