Địa chỉ :
91-93 Điện Biên Phủ, Quận 1, HCM
Email :
info@traceverified.com
Hot Line :
028 38234179

Hướng dẫn xây dựng mã số vùng trồng và mở ra sức sống mới ở một vùng chè

TraceVerified > Mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói > Hướng dẫn xây dựng mã số vùng trồng và mở ra sức sống mới ở một vùng chè

Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật phối hợp với Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Thái Nguyên tổ chức tập huấn xây dựng mã số vùng trồng cho các hộ dân sản xuất chè ở 2 xã Hoàng Nông và La Bằng. Tại buổi tập huấn, các đại biểu được truyền đạt một số nội dung như: những yêu cầu bắt buộc khi tham gia xây dựng mã số vùng trồng; diện tích vùng trồng tối thiểu; sinh vật gây hại và biện pháp quản lý; cách ghi chép nhật ký sản xuất,…

Ngoài ra, người dân ở tỉnh Thái Nguyên còn được đại diện công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Thái Nguyên hướng dẫn quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly, cách bón phân hữu cơ theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây chè nhằm đảm bảo đạt năng suất, hiệu quả cao nhất. Người tham dự cũng được trao đổi, giải đáp ký thuật trồng, chăm sóc, thu hái và bảo quản chè, cách phòng trừ sâu bệnh cho cây,…

Vùng chè xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông và xóm Non Bẹo, xã La Bằng (Đại Từ) có nguồn nước dồi dào, thuận lợi cho cây chè phát triển. Thêm vào đó, bà con nơi đây chịu khó, năng động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tiêu biểu là tiên phong trong xây dựng mã số vùng trồng chè.

Từ năm 2021, gia đình bà Nguyễn Thị Sử (xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông) tham gia mô hình xây dựng mã số vùng trồng đã bắt đầu thay đổi thói quen canh tác thay thế phân vô cơ thành phân hữu cơ và dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép. Ngoài ra, việc bón phân gì, phun thuốc vào thời điểm nào, quá trình chăm sóc ra sao đều được ghi chép tỉ mỉ. Gia đình bà nhận thấy khi áp dụng phương pháp canh tác này cây chè rất xanh, lá mập, búp dày, ít sâu bệnh gây hại. Đặc biệt, môi trường sống cũng trở nên trong lành hơn vì không còn mùi thuốc hóa học.

Ông Phùng Minh Thái, phó chủ tịch UBND xã Hoàng Nông cho biết sau khi trao đổi: Không chỉ riêng ở Cầu Đá, thời gian qua, chè đã trở thành cây trồng mũi nhọn, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong xã. Tuy nhiên, các sản phẩm chè của bà con mới chủ yếu được tiêu thụ nhỏ lẻ ở trong nước và chè Hoàng Nông cũng chưa có thương hiệu riêng. Chính vì vậy, việc xây dựng mã số vùng trồng sẽ là bước đi đầu tiên giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu, đưa các sản phẩm chè Hoàng Nông vươn ra thị trường nước ngoài.

Được biết ở 2 xóm Cầu Đá và Non Bẹo đã có 36 hộ (có mương chè liền vùng, liền khoảnh), với diện tích 11.4ha đã tham gia xây dựng mã số vùng trồng. Thuận lợi là trước đây nhiều hộ dân đã từng tham gia mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP nên và con tuân thủ khá nghiêm túc các quy trình sản xuất theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Các vùng trồng được cấp mã số phải đáp ứng yêu cầu như: Nhận diện được vùng trồng (sử dụng GPS); áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, ghi chép, bảo quản nhật ký canh tác để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra; đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép theo quy định của nước nhập khẩu. Ngoài ra, còn một số yêu cầu khác tùy thuộc vào thị trường nhập khẩu và loại nông sản. Tuy nhiên hiện nay trên thị trường có nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được bày bán gây lúng túng cho người dân lựa chọn. Thấu hiểu cho khó khăn của người dân, công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Thái Nguyên đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn, tư vấn cho người dân cách nhận biết một số loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép. Đồng thời hướng dẫn cách sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu sinh học, thảo mộc phù hợp vời từng giai đoạn phát triển của cây chè, nhằm đạt năng suất và hiệu quả cao nhất.

Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Thái Nguyên cam kết sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm chè cho bà con tham gia mô hình ở 2 xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông và xóm Non Bẹo, xã La Bằng sau khi cấp mã số vùng trồng nhờ đó tăng sự liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân từ khâu cung ứng vật tư, xây dựng vùng nguyên liệu đến đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm.

(Theo Báo Thái Nguyên)


Để được tư vấn về cấp mã số vùng trồng, vui lòng liên hệ với TraceVerified qua thông tin:

– Số điện thoại: 0912501139

– Email: info@traceverified.com