Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đang trở thành xu thế tất yếu của các mặt hàng thực phẩm. Tuy nhiên một số mặt hàng khác cũng có thể áp dụng công nghệ này như một bước mới trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu, minh bạch thông tin, tăng sự tin tưởng của người tiêu dùng.
Hiện nay vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường làm ảnh hưởng lớn đến những doanh nghiệp có sản phẩm tốt, người tiêu dùng cũng khó khăn hơn trong việc phân định hàng tốt. Dưới đây là một số ngành hàng nên làm truy xuất nguồn gốc.
1. Thực phẩm
Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm tại Việt Nam đã có áp dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình. Thực phẩm là ngành cần được truy xuất nguồn gốc nhất, vì thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc ngày càng nhiều trên thị trường, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm không chỉ giúp nhà sản xuất có thể minh bạch được thông tin về quá trình hình thành sản phẩm mà còn giúp họ kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm qua từng khâu của quá trình sản xuất, chế biến. Từ đó người tiêu dùng có thể biết đâu là sản phẩm an toàn để chọn mua, an tâm hơn khi sử dụng các sản phẩm có truy xuất nguồn gốc.
Tuy chưa có quy định rõ ràng về việc bắt buộc áp dụng truy xuất nguồn gốc nhưng Việt Nam cũng đã có nhiều thông tư và quyết định của chính phủ ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Trong luật An toàn thực phẩm, có các điều khoản nêu rõ trách nhiệm của nhà sản xuất thực phẩm trong việc ghi nhận và lưu trữ hồ sơ đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, phòng ngừa, ngăn chặn các sự cố về an toàn thực phẩm, thu hồi sản phẩm khi cần thiết.
2. Mỹ Phẩm – Dược phẩm
Có thể nói ngành mỹ phẩm, dược phẩm là ngành tồn tại rất nhiều vấn đề làm giả, làm nhái. Khi người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm mỹ phẩm và đặc biệt là dược phẩm giả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Theo Tổ chức Y thế Thế giới WHO, hiện nay có đến 11% thuốc tại các quốc gia đang phát triển là thuốc giả và nguy cơ sẽ gây tử vong cho các chứng bệnh sưng phổi, sốt rét.
Chính vì vậy việc sử dụng truy xuất nguồn gốc nhằm kiểm soát các sản phẩm giả tràn lan trên thị trường là điều cần thiết. Đặc biệt hơn người tiêu dùng có thể biết được quá trình sản xuất ra sản phẩm có an toàn không, các thành phần trong sản phẩm có gây kích ứng cho cơ thể không. Tình trạng sản phẩm bị tràn vùng xảy ra rất nhiều, tức là phân phối ở một khu vực này nhưng đại lý lại cố tình đẩy hàng sang khu vực khác gây ra tình trạng khó kiểm soát thị trường và mất lợi ích của các đại lý khác. Để khắc phục tình trạng này có thể áp dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc để theo dõi đường đi của sản phẩm. Truy xuất nguồn gốc còn giúp cho doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm có thể truy lại chính xác được từng sản phẩm thuộc ca sản xuất nào, vùng nguyên liệu nào,… từ đó có thể thu hồi sản phẩm nhanh chóng và tiết kiệm hơn khi phát hiện ra các sản phẩm lỗi cần thu hồi.
Năm 2019 vừa qua, bộ y tế cũng đã ban hành thông tư 25/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế. Thông tư 25 quy định rõ trách nhiệm thực hiện truy xuất nguồn gốc vối với những sản phẩm thuộc thẩm quyền của bộ y tế bao gồm: các vi chất bổ sung vào thực phẩm, phụ gia, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp.
Trên đây là hai ngành hàng cơ bản nhất cần áp dụng truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, trên thực tế bất kỳ ngành hàng nào cũng có thể áp dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình vì doanh nghiệp và người tiêu dùng.