Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố hồi tháng 12-2015, mỗi năm, thế giới có khoảng 600 triệu ca mắc bệnh liên quan đến thực phẩm không an toàn, gây ra 420.000 ca tử vong. Đông Nam Á là khu vực đứng đầu thế giới về tỷ lệ ngộ độc thực phẩm, có khoảng 150 triệu ca, khiến 50.000 người chết.
Đó là chưa kể vấn đề thực phẩm không an toàn gây ra các bệnh ung thư, suy gan, suy thận, rối loạn hệ thần kinh…
Thực phẩm độc hại đang đe dọa sức khỏe con người trên toàn thế giới. Đây cũng là vấn đề gây bức xúc lớn ở nước ta, nơi có tỷ lệ tử vong do ung thư cao, nơi những vụ dùng chất bảo quản thực phẩm, chất cấm trong trồng trọt chăn nuôi bị phanh phui trên các phương tiện truyền thông ám ảnh người dân hàng ngày. Việc có được thực phẩm sạch trên bàn ăn đang là sự trăn trở của mỗi gia đình.
Truy xuất nguồn gốc theo kiểu đối phó
Nhiều doanh nghiệp đã hướng đến sản xuất thực phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, HACCP…, nhưng như vậy vẫn chưa đủ độ nghiêm ngặt cho chuẩn mực chất lượng. Người tiêu dùng cần có sự minh bạch hơn về quy trình, nguồn gốc sản phẩm, tức họ cần có thông tin truy xuất nguồn gốc tại tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, để biết liệu đơn vị cung cấp sản phẩm có nỗ lực tối đa trong vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm hay không; sản phẩm có được kiểm soát chất lượng một cách nghiêm túc trong toàn bộ chuỗi cung ứng hay không.
Cũng đã có một số doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhưng hầu hết trong đó là những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, trái cây, vì đây là một điều kiện bắt buộc để xuất hàng sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU. Còn tại các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cho thị trường nội địa, việc truy xuất nguồn gốc hầu như chưa được thực hiện. Về quy định, dù đã có hai thông tư về truy xuất nguồn gốc thực phẩm được ban hành, nhưng khâu kiểm tra, giám sát thực hiện lại chưa được chú trọng. Một chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu nhận xét các thông tư này chủ yếu để cho các nước nhập khẩu nông sản thấy rằng Việt Nam cũng bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm phải truy xuất nguồn gốc.
Và hệ quả là có không ít doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo kiểu đối phó. Hầu hết làm một cách thủ công – ghi chép bằng tay trên giấy. Khi có yêu cầu thông tin từ đơn vị nhập khẩu nước ngoài về một lô hàng cụ thể, họ phải vào kho lục lại giấy tờ ghi chép để lấy thông tin. Ví dụ một doanh nghiệp xuất khẩu lô hàng 10 container phi lê cá tra mà số cá được thu gom từ 20 trang trại khác nhau thì số lượng giấy tờ ghi chép quy trình từ khâu mua con giống, nuôi trồng, vận chuyển đến chế biến, đóng gói xuất khẩu là rất lớn. Có thể thấy đây là cách làm rất rủi ro và khó tin cậy trong điều kiện công nghệ hiện nay, khó để xây dựng lòng tin với khách hàng và thị trường. Chưa kể mã số truy xuất của lô hàng do doanh nghiệp áp dụng không theo một chuẩn mực quốc tế nào.
Việc này sẽ trở nên dễ dàng khi sử dụng hệ thống truy xuất điện tử. Tất cả thông tin sản phẩm được lưu trữ vào máy chủ, dễ dàng để truy xuất. Doanh nghiệp sản xuất đưa thông tin lên hệ thống từ những khâu đầu của chuỗi sản xuất cho đến khâu đóng gói sản phẩm. Người mua có thể xem thông tin về lô hàng trên hệ thống ngay khi lô hàng chưa rời khỏi nhà sản xuất. Thông tin truy xuất nguồn gốc được tích hợp trong mã phản hồi nhanh (QR code) in trên bao bì sản phẩm; người tiêu dùng có thể dùng ứng dụng quét mã trên điện thoại thông minh trong vòng 2 giây là biết mọi thông tin nguồn gốc của sản phẩm họ chuẩn bị mua.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn giải pháp Truy xuất nguồn gốc (TraceVerified), các doanh nghiệp có thể tự làm truy xuất nguồn gốc điện tử, song ở hầu hết các nước kinh tế thị trường, doanh nghiệp đều sử dụng “cơ chế bên thứ ba”, bởi thông tin truy xuất nguồn gốc sẽ trở nên tin cậy hơn khi sử dụng công cụ truy xuất điện tử và thẩm tra thông tin của một bên thứ ba độc lập, cung cấp giải pháp, giám sát việc đưa thông tin.
Bài học từ các nước trong khu vực
Truy xuất nguồn gốc điện tử được áp dụng rất thành công ở một số nước đang phát triển. Ở Ấn Độ, từ năm 2006, các nhà sản xuất, chế biến nho đã lập ra hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử GrapeNet. Nhờ vậy, họ chiếm hoàn toàn lòng tin từ thị trường nhập khẩu EU. Tính đến tháng 3-2015, hơn 20.000 nông dân trồng nho ở Ấn Độ đã tham gia GrapeNet, xuất khẩu trung bình 3.000 container nho sang EU mỗi mùa. GrapeNet là hình mẫu để thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử cho các ngành sản xuất sản phẩm nông nghiệp khác ở Ấn Độ.
Hiện hệ thống AnnarNet truy xuất nguồn gốc cho lựu; TraceNet cho thực phẩm hữu cơ; Peanut Net cho đậu phộng, Mango Net cho xoài… đang hoạt động rất hiệu quả.
Nước láng giềng Thái Lan cũng tiến rất xa trong truy xuất nguồn gốc điện tử. Từ năm 2010 đến nay, Bộ Nông nghiệp Thái Lan, thông qua Văn phòng quốc gia về tiêu chuẩn nông sản và thực phẩm (ACFS), đã đưa ra chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc điện tử, xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử để nông dân vào đăng ký dùng miễn phí, được ACFS tập huấn và hỗ trợ tận tình, vì vậy hàng chục ngàn hộ nông dân đã tham gia. Giờ đây, nải chuối hay quả sầu riêng bán ở cửa hàng rau quả nhỏ ở Thái Lan cũng được dán mã QR code. Tiến sĩ Ponprome Chairidchai, đại diện ACFS cho biết truy xuất nguồn gốc mang lại hiệu quả kinh tế rõ ràng cho nông dân Thái Lan. Ví dụ nông trại Sumtarom ở tỉnh Srisaket vào năm 2013, tức trước khi áp dụng truy xuất nguồn gốc, chỉ bán được sầu riêng với giá 50 baht/ki lô gam, nay với QR code, họ có thể bán với giá 70 baht/ki lô gam. Người tiêu dùng quan tâm đến sầu riêng có truy xuất nguồn gốc hơn là sầu riêng không có truy xuất nguồn gốc. Sumtarom nay còn phát triển thành một địa điểm du lịch nông trại.
Cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc
Cho đến nay, số doanh nghiệp Việt Nam tham gia truy xuất nguồn gốc điện tử chưa tới con số 40. Theo bà Hồng Minh, trước hết là chưa có sự bắt buộc áp dụng, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý; thứ hai là văn hóa minh bạch thông tin trong sản xuất ở Việt Nam còn rất mới mẻ; thứ ba là người tiêu dùng tuy than vãn về thực phẩm bẩn, nhưng lại chưa có các động thái quyết liệt như yêu cầu cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc hoặc tẩy chay hàng hóa không có truy xuất nguồn gốc. Thứ tư, theo quy định của hệ tiêu chuẩn GAP, nhà sản xuất mà nhất là người nông dân, phải ghi lại thông tin trong suốt quá trình sản xuất, nhưng phần lớn vẫn rất ngại ghi chép, chưa kể việc nhiều người còn xa lạ với máy tính, phần mềm, Internet…
Lẽ ra, Việt Nam đã phải bước lên chuyến tàu truy xuất nguồn gốc từ năm 2007, khi chuyên gia của EU là Tiến sĩ Heiner Lehr được nhà tài trợ Đan Mạch mời sang Việt Nam tư vấn thiết kế cho một cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử. Thế nhưng khi đó, vụ việc không nhận được sự quan tâm cần thiết. Đến năm 2011, Dự án truy xuất nguồn gốc điện tử (TraceVerified) do Công ty cổ phần Dịch vụ khoa học công nghệ Sắc Ký Hải Đăng khởi xướng nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch thông qua Dự án hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (GCF) để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử cho một số doanh nghiệp xuất khẩu trên tám tỉnh nông nghiệp trọng điểm. Năm 2015, kết thúc dự án, TraceVerified trở thành công ty tư vấn giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các chuỗi sản xuất nông sản thực phẩm Việt Nam, hướng tới một thị trường thực phẩm (cả nội địa và xuất khẩu) minh bạch nhờ truy xuất nguồn gốc.
Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về truy xuất nguồn gốc điện tử do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) vào cuối tháng 1-2016 mà đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và đại diện của TraceVerified được mời tham dự, Bộ Nông nghiệp Thái Lan và những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp của Thái Lan như Betagro đã giới thiệu kinh nghiệm triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi từ trang trại đến siêu thị, một cách bài bản.
Có thể thấy, các chuỗi siêu thị lớn của Thái Lan đang thâu tóm ngành bán lẻ Việt Nam và các doanh nghiệp Thái Lan đã đầu tư ở Việt Nam như CP, Betagro sẽ sử dụng truy xuất nguồn gốc điện tử trong chuỗi cung ứng thực phẩm của họ tại Việt Nam. Nếu Việt Nam không nhanh chóng có chiến lược ứng dụng truy xuất nguồn gốc điện tử trong nước, nhiều thông tin nhạy cảm của nông nghiệp Việt Nam sẽ về tay Thái Lan, và chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Bà Hồng Minh đề xuất: “Nhà nước cần có quy định bắt buộc các đơn vị sản xuất thực phẩm thực hiện truy xuất nguồn gốc, đề ra thời hạn thực hiện, có giám sát và chế tài rõ ràng. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ các hộ nông dân nhỏ thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử như Thái Lan đang làm. Như vậy mới mang lại niềm tin cho thực phẩm an toàn, mang đến cho người dân quyền được tiêu thụ sản phẩm sạch và tăng khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu”.
(Theo Chính Phong – TBKTSG)