Sáng 24/7, tại Hà Nội, VCCI và Liên minh doanh nghiệp toàn cầu vì an ninh lương thực, Liên hiệp quốc đã ký kết khởi động dự án nông nghiệp bền vững tích hợp tại Việt Nam (ISAP) mà trong đó TraceVerified (Công ty Sắc Ký Hải Đăng) là một trong những đối tác quan trọng.
ISAP là chương trình được Liên hợp quốc quan tâm thúc đẩy, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển thiên niên kỷ toàn cầu, quan tâm chính đến lĩnh vực sức khỏe- y tế-xóa đói giảm nghèo.
Theo đó, ISAP sẽ xác lập và đăng ký miễn phí cho người nông dân mã số định danh (mã số xanh). Thông qua việc đăng ký mã số xanh này, người nông dân có thể đưa thông tin các nhân của mình về sản phẩm nuôi trồng, năng lực sản xuất (tên sản phẩm, chỉ dẫn địa lý…), nhu cầu tìm kiếm bạn hàng, kênh tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, người nông dân cũng có thể nắm bắt được yêu cầu, tiêu chuẩn hàng hóa để có kế hoạch sản xuất ra sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường…
Đứng về phía lợi ích quốc gia, Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức xuất nhập khẩu, nhà phân phối sản phẩm dựa trên nhu cầu năng lực sản xuất của người nông dân mà đưa ra định hướng cho mục tiêu phát triển, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
ISAP được cho là sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho tất cả mọi người từ nông dân cho đến người mua hàng và chính phủ.
Hiện nay, trên toàn cầu đã có khoảng 20 quốc gia triển khai ISAP. Tại hội nghị báo cáo về việc thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ diễn ra vào tháng 9/2015 tại Hoa Kỳ, các quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ giới thiệu chương trình ISAP của mình.
Với sứ mệnh thu thập và truyền tải thông tin đã được xác thực từ các nhà sản xuất thực phẩm đến với người tiêu dùng và tạo ra một trung tâm cầu nối tin tưởng giữa người bán và người mua, những cố gắng của TraceVerified đã được UN Global Compact và VCCI ghi nhận. Cũng trong hội thảo này, TS. Puvan Jselvanathan cũng đã công bố các đối tác tham gia thực hiện ISAP, trong đó có công ty Sắc Ký Hải Đăng với dịch vụ TraceVerified.
Dự án chương trình ISAP Việt Nam sẽ được triển khai chính thức từ 9/2015 đến 2018.