Ngày 17/12/2018, tại văn phòng của TraceVerified diễn ra cuộc họp về vấn đề truy xuất nguồn gốc Trứng gia cầm và các sản phẩm chăn nuôi với Chuyên viên Cục chăn nuôi và Chuyên gia của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO).
Các đại biểu tham gia cuộc họp gồm có:
– Bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ tịch HĐQT TraceVerified kiêm chủ tịch Hiệp hội thực phẩm minh bạch
– Ông Bùi Huy Bình – Giám đốc điều hành TraceVerified
– Ông Đỗ Văn Hoan – Phó trưởng phòng Gia cầm và Gia súc nhỏ – Cục Chăn nuôi
– Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Chuyên gia của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO).
– Và một số đại biểu khác từ Cục chăn nuôi và FAO
Một số đại biểu tham dự cuộc họp
Hiện tại cục chăn nuôi đang xây dựng mô hình Truy xuất nguồn gốc trứng gia cầm tại Việt Nam. Cuộc họp nhằm tham quan cũng như phỏng vấn TraceVerified về tình hình Truy xuất nguồn gốc trứng gia cầm và những sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn TP.HCM từ đó đưa ra những khuyến cáo cho doanh nghiệp và tham mưu chính sách cho Chính phủ.
Tại cuộc họp, ông Bùi Huy Bình có trình bày vấn đề truy xuất nguồn gốc hiện nay tại Việt Nam nhất là đối với sản phẩm thịt, trứng. Đồng thời cũng giải thích rõ hơn cho các đại biểu về mô hình truy xuất nguồn gốc của TraceVerified. Cụ thể, ông Bình nói: “Truy xuất nguồn gốc không chỉ là đưa thông tin lên một mã QR code cho người mua xem, đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Truy xuất nguồn gốc phải làm được vấn đề là cung cấp cho người dùng được thông tin từ nơi sản xuất ban đầu đến thành phẩm cuối cùng, đồng thời là giải pháp quản lý cho doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.”
Hệ thống truy xuất nguồn gốc của TraceVerified là nền tảng kết nối thông tin, kết nối các mắt xích trong hệ thống dựa theo tiêu chuẩn nhất định (hiện nay tiêu chuẩn thấp nhất là Tiêu chuẩn Vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam). Do vậy, truy xuất nguồn gốc theo mô hình của TraceVerified, thông tin không chỉ đầy đủ, liên tục giúp người tiêu dùng xem được nguồn gốc sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn mà còn giúp doanh nghiệp và cơ quan nhà nước kiểm soát được những thực phẩm có vấn đề về chất lượng, từ đó có thể truy xuất ngược lại trong chuỗi sản xuất. Chính vì vậy, họ có thể biết được sản phẩm đó nằm tại trại nào, lý do có sự cố về chất lượng từ đó giải quyết một cách nhanh, gọn và triệt để nhất.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, để việc truy xuất nguồn gốc mang tính hiệu quả hơn thì các cơ quan nhà nước cần có quy chuẩn rõ ràng hơn về việc truy xuất nguồn gốc trong thực phẩm để đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, chống hàng giả đồng thời để doanh nghiệp và nhà nước dễ dàng quản lý, kiểm tra, xử lý khi có sự cố.
Tại cuộc họp, TraceVerified cũng trả lời nhiều câu hỏi khác về Truy xuất nguồn gốc, QR code cho đại diện Cục chăn nuôi và đại diện FAO.
Hy vọng sau cuộc họp này Cục chăn nuôi sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về Truy xuất nguồn gốc từ đó có những tham mưu chính xác đến Chính phủ để việc truy xuất nguồn gốc sẽ có một quy chuẩn nhất định đồng thời có nhiều hơn các doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc trong tương lai.