Bài viết tương tác dựa trên ý tưởng của Dominique Chardon – Chủ tịch Hiệp hội “Đất đai và văn hóa” của nước Pháp và một số quan điểm riêng của người viết bài. Dominique Chardon có một suy nghĩ rằng “Đặc sản chính là tình yêu của đất và con người”.
Đặc sản và góc nhìn của Dominique Chardon
Theo ông, “đất và con người sinh sống và lớn lên tại vùng đất đó có mối quan hệ da thịt tiếp xúc gần gũi như vợ và chồng, đặc sản là kết tinh giữa đất, nghề và người. Đặc sản chỉ ra đời trên vùng đó, với chính con người ở vùng đất đó, trái tim của đặc sản chính là con người… bởi vì để sống được trên đất và làm ra đặc sản thì phải sống hài hòa với những gì đất có, đất cho, phải biết sử dụng một cách trân trọng những gì quý hiếm ngay cả khi chúng vô cùng bé nhỏ như nước, không gian, đất,… đó đều là những điều cơ bản.”. Nghe qua lời mà ông nói, ta có thể tinh ý nhận ra… trong nhận thức của ông, thực vật hay đất đai đều tựa như thực thể sống mang trong đó những cảm xúc chân thật như con người. Tạm chưa đề cập đúng sai nhưng trong một xã hội hiện đại và náo nhiệt ngày nay thì những suy nghĩ nhạy cảm như ông là điều gì đó rất thuần khiết, nó đi ngược hoàn toàn với những tư tưởng nông nghiệp tiêu chuẩn hóa (là tư tưởng loại bỏ tất cả những cây trồng năng suất thấp). Chính vì tư tưởng tiêu chuẩn hóa này mà sự đa dạng thực vật trên khắp thế giới bị tàn phá không thương xót, một tài liệu thống kê vào năm 1900 cho thấy 90% các loại rau quả trên thế giới đã biến mất… Vì thế Dominique Chardon cho rằng cuộc chiến gìn giữ đặc sản của vùng miền chính là đang bảo vệ sự đa dạng và chống lại sự đồng hóa. Để có thể hiểu được góc nhìn của ông, ta hãy cùng phân tích để hòa vào nhận thức ấy.
Nét riêng của mỗi vùng đất
Chúng ta có nhận ra rằng tính cách con người ở mỗi vùng mỗi miền có sự khác nhau không? Người Hà Nội, người miền Trung, người Sài Gòn, người phương Tây, người châu Á, người châu Âu… càng cách xa về địa lý thì bắt đầu có sự khác biệt rõ rệt về tính cách và luôn cả hình tướng đúng không? Còn về con vật thì sao, liệu con muỗi trên khắp thế giới có giống nhau không? Đương nhiên là không rồi, tùy vào thổ nhưỡng mà kích thước, vóc dáng các con vật cũng sẽ có sự khác biệt. Con kiến cũng khác, con chó, con mèo, con cá, con chim cũng khác… Khi ta đổi phạm vi thì mọi thứ đều đổi thay nên hẳn nhiên cây trồng cũng thế. Mỗi vùng đất cho ra những con người khác nhau, cho ra những con vật khác nhau và hẳn nhiên sẽ cho ra những cây trồng không giống nhau.
Giả sử ta cho một người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài hoặc người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam thì sao? Có phải theo thời gian người Việt Nam đó sẽ hòa dần vào lối sống của vùng đất đó và đến 1 lúc họ sẽ bị ảnh hưởng đồng thời 2 nền văn hóa không? Hay một người miền Trung vào Nam sinh sống từ nhỏ và thẩm thấu lối sống ở miền Nam thì họ có còn giống với một người miền Trung chính gốc không? Một giống cây chỉ có riêng ở vùng đất này mà đem sang vùng đất khác để trồng thì có phải đặc tính sẽ có sự thay đổi không? Và câu hỏi được đặt ra là: Cùng 1 giống cây nhưng vùng đất khác nhau thì chúng đã khác nhau. Vậy nếu ta giữ riêng đặc sản cho mỗi một vùng đất thì có phải đang kìm hãm sự đa dạng của chính nó không?
Đặc sản có thật sự là đang bảo vệ sự đa dạng?
Ông Dominique Chardon cho rằng đất nào thì cây trồng nấy vì như thế đảm bảo sự đa dạng của mỗi vùng đất. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, điều này có trái với sự đa dạng mà ông đang bảo vệ hay không vì mỗi vùng đất chỉ được phép trồng một số loại cây nhất định mà không phải nhiều loại cây? Lý thuyết của ông tuy chống lại sự đồng hóa cây trồng nhưng nó lại quá thiên lệch trong việc đề cao cái riêng. Vậy nếu mỗi vùng đất chỉ trồng đặc sản trong canh tác thì liệu tài nguyên đất trồng khi ấy có bị cạn kiệt không khi giống cây đó chỉ hấp thụ những chất dinh dưỡng nhất định? Nếu vùng đất đó trồng lúa không tốt bằng trồng nho nên chỉ tập trung trồng nho vì đó là đặc sản thì người dân nơi đó sẽ chỉ có thể nhập khẩu lúa từ vùng khác mà không thể tự cải tạo đất để trồng sao? Nếu lý thuyết của ông được mở rộng ở phạm vi quốc gia thì phải chăng mỗi quốc gia chỉ nên trồng những loại cây riêng biệt và sự du nhập hạt giống là đang phá hủy sự đa dạng hay sao? Nếu đặc sản là kết tinh tình yêu của vùng đất đó và những gì thuộc về vùng đất đó thì thứ tình yêu ấy quá phân biệt rồi. Người Sài Gòn có thể yêu người Đà Lạt được mà chứ đâu có quy định ràng buộc người nơi đâu thì chỉ được yêu người ở nơi đó, huống hồ vùng đất đó yêu loại cây trồng nào thì làm sao ông ấy biết được? Chưa kể đến những vùng đất không được thiên nhiên ưu đãi, không có đất đai màu mỡ và dinh dưỡng như Israel chẳng hạn, nếu “phải sống hài hòa với những gì đất có, đất cho…” thì họ phát triển nông nghiệp thế nào? Đất ở những vùng đó “tịnh thân” nên không yêu ai chăng? Nếu đặc sản được xem là giải pháp bảo vệ sự đa dạng cây trồng trên thế giới thì có phải chính nó làm mất đi sự đa dạng cây trồng trong mỗi từng quốc gia không?
Không thể phủ nhận được sự cố gắng của ông trong việc chống lại nông nghiệp tiêu chuẩn hóa nhằm bảo vệ sự đa dạng. Tuy nhiên, lý thuyết về đặc sản của ông lại làm mất đi sự đa dạng và phong phú ở những phạm vi khác nên nó không thể xem là giải pháp bảo vệ sự đa dạng được.
Để khách quan hơn, những ai đã đọc qua bài viết này đều có thể nói lên suy nghĩ riêng bằng cách gửi mail đến địa chỉ “truongpl@traceverified.com” để chúng ta có thể cùng nhau tranh luận để tìm ra được lời giải cho nông nghiệp ngay trong thực tại này…
Dưới đây là đoạn video mà Dominique Chardon đã nói lên quan điểm của mình. (1:20:24 – 1:23:30 của Clip)