Địa chỉ :
112 Điện Biên Phủ, Quận 1, HCM
Email :
info@traceverified.com
Hot Line :
028 38234179

Truy xuất carbon theo 3 phạm vi phát thải

TraceVerified > Tín chỉ carbon > Truy xuất carbon theo 3 phạm vi phát thải
Khí nhà kính và nguồn gốc phát thải

Các khí nhà kính (KNK) chính trong bầu khí quyển gồm: hơi nước, carbon dioxide (CO2), methan (CH4), dinitơ monoxide (N2O), ozon (O3) và các khí CFC. Nếu không có KNK, nhiệt độ bề mặt Trái Đất sẽ là −18°C, thay vì mức trung bình khoảng 15°C. Nhưng khi KNK quá nhiều, làm tăng nhiệt độ trái đất cao hơn nữa khiến băng tan chảy, nước biển dâng và làm biến đổi hệ sinh thái toàn cầu.

CO2, CH4 và N2O là những KNK chính đáng lo ngại nhất. CO2 tồn tại trong khí quyển 1.000 năm, CH4 tồn tại trong khoảng 10 năm và N2O tồn tại trong khoảng 120 năm. Khi đốt cháy nhiên liệu than, dầu, khí để tạo ra điện, vận chuyển hoặc cung cấp nhiệt, chúng sẽ tạo ra CO2. 55% lượng khí CH4 đến từ hoạt động khai thác dầu khí, khai thác than và bãi chôn lấp. 32% lượng khí metan do bò, cừu và các loài nhai lại khác lên men thức ăn trong dạ dày của chúng. Phân hủy phân và trồng lúa cũng gây phát thải khí metan. N2O phần lớn phát sinh từ các hoạt động nông nghiệp thông qua các vi khuẩn trong đất và nước chuyển đổi nitơ thành oxit nitơ và việc sử dụng phân bón thúc đẩy tăng tốc quá trình này.

Theo Báo cáo kỹ thuật kiểm kê quốc gia KNK của Việt Nam năm 2014 (Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2018), trong các lĩnh vực có phát thải KNK, tỷ lệ phát thải KNK ngành năng lượng (bao gồm hoạt động giao thông vận tải) lớn nhất chiếm 53,8%, tiếp theo là ngành nông nghiệp chiếm 27,92%, quá trình công nghiệp và tiêu thụ sản phẩm chiếm 12,01% và chất thải chiếm 6,69%.

Ba phạm vi phát thải trong khoa học truy xuất nguồn gốc

Truy xuất nguồn gốc là khả năng tái tạo lại lịch sử. Truy xuất nguồn gốc là hiểu rõ hoạt động kinh doanh của mình và chia sẻ thông tin đó khi thuận tiện hoặc được yêu cầu. Có thể có nhiều phạm vi, nhiều chiều sâu, nhiều chiều rộng và nhiều mức độ chính xác khác nhau trong nghiệp vụ truy xuất. “Lịch sử” sản phẩm thường được “viết” từ đơn vị tạo ra sản phẩm thương mại tiêu dùng. Từ các tuyên bố và chia sẻ thông tin với người tiêu dùng, họ đề nghị các nhà cung cấp cùng chia sẻ dữ liệu. Các nhà cung cấp chính tiếp tục đề nghị các nhà cung cấp nhỏ hơn, các trang trại, các đơn vị khai thác tài nguyên cùng công khai dữ liệu.

Tương tự, khi xem xét một hành vi phát thải, người ta thường bắt đầu trong một phạm vi của đơn vị báo cáo gọi là phạm vi 1. Phạm vi 1 đề cập đến lượng khí thải “từ các nguồn thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của đơn vị báo cáo”. Phạm vi 2 đề cập đến khí thải từ “hoạt động của đơn vị báo cáo nhưng xảy ra tại các nguồn thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của một thực thể khác”, như việc mua điện, xăng, hơi nước… Phạm vi 3 đề cập đến các phát thải gián tiếp khác không có trong phạm vi 1 và 2 có liên quan đến dự án, bao gồm khí thải thượng nguồn liên quan đến các nhà cung cấp và khí thải hạ nguồn liên quan đến sử dụng sản phẩm, dịch vụ.

Trong ngữ cảnh của khí thải carbon, khoa học truy xuất nguồn gốc là quá trình xác định nguồn gốc cụ thể của khí thải carbon, từ quá trình sản xuất đến quá trình tiêu thụ hoặc hủy bỏ, nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong việc tính toán và giảm lượng khí thải. Điều này có thể bao gồm việc theo dõi nguồn gốc năng lượng, nguồn gốc nguyên liệu, và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến phát thải carbon.

Tại sao cần truy xuất nguồn gốc carbon theo 3 phạm vi

Việc tạo ra và chia sẻ dữ liệu về nguồn gốc sản phẩm, lịch sử phát thải đều nên bắt nguồn từ các hoạt động có khả năng kiểm soát, chủ động của các nhà sản xuất rồi mới tới các nhà cung cấp. Nguồn gốc sản phẩm, phát thải carbon đều như vệt dầu loang, sản phẩm đầu vào của một đơn vị  sẽ luôn có một đối tác cung cấp hoặc các nguồn lực liên quan.

Phân ranh giới phạm vị phát thải hay nguyên tắc cung cấp thông tin nguồn gốc sản phẩm sẽ mang tính khái quát về trách nhiệm của bên khi tham gia báo cáo. Trách nhiệm trước hết là minh bạch thông tin, dữ liệu. Thứ hai, trách nhiệm để chủ động tìm các giải pháp. Hơn cả là sự thấu hiểu và chia sẻ giữa các bên (bao gồm cả người tiêu dùng) trên chuỗi cung ứng hướng tới phát triển bền vững.

Truy xuất nguồn gốc carbon theo ba phạm vi giúp tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm của tổ chức hoặc ngành công nghiệp đối với việc giảm thiểu khí thải carbon. Nó cho phép các bên liên quan như cổ đông, khách hàng và cơ quan quản lý đánh giá và đảm bảo rằng các biện pháp giảm thiểu được triển khai một cách hiệu quả và có thể kiểm định.


TraceVerified với tầm nhìn trở thành đối tác trong lĩnh vực phòng chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững toàn cầu, cùng tạo ra một môi trường phát triển bền vững dựa trên cơ chế của thị trường tín chỉ carbon.

Để được tư vấn về phát triển bền vững, tín chỉ carbon xin vui lòng liên hệ:

Ms Trinh Phạm – 0912501139 – trinhptm@traceverified.com