Truy xuất nguồn gốc điện tử là phương pháp thông tin hiện đại để người tiêu dùng có thể hiểu rõ hơn xuất xứ và chất lượng sản phẩm. Khi người tiêu dùng sử dụng smartphone quét tem truy xuất, mọi thông tin cần biết về sản phẩm sẽ được hiển thị.
Truy xuất nguồn gốc điện tử, chìa khóa để hội nhập
Vài năm trở lại đây, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, hòa mình vào xu hướng hội nhập. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, các doanh nghiệp VN còn nỗ lực để có thể chinh phục thị trường quốc tế vốn có đòi hỏi cao và nghiêm ngặt về các chuẩn mực chất lượng.
Bà Nguyễn Hồng Minh (bìa trái) giám đốc Dự án Traceverified tại ngày hội khởi nghiệp lớn nhất hành tinh diễn ra tại Helsinki, Phần Lan.
Nhiều doanh nghiệp đã hướng đến sản xuất các loại thực phẩm đạt chuẩn Gap, GlobalGap, ASC, BAP… Những sản phẩm chất lượng cao này đã được chuyển đến tay người tiêu dùng nhưng trên bao bì chỉ có nhãn hiệu, ngày sản xuất, hạn sử dụng mà không hề có thông tin cụ thể gì về quy trình.
Mặt khác, trên báo chí thời gian gần đây nhiều thông tin về thực phẩm nhiễm độc, thực phẩm chứa chất bảo quản gây hại cho sức khỏe như khoai tây Trung Quốc “đội lốt” khoai tây Đà Lạt, thịt heo có chứa chất tạo nạc, cá điêu hồng bị nhiễm chất cấm… Đó cũng được cho là lý do khiến tỉ lệ người bị ung thư ở Việt Nam thuộc hàng cao trên thế giới vì lý do ăn uống. Vì vậy, việc phải có một phương pháp thông tin hiện đại để người tiêu dùng có thể hiểu rõ hơn xuất xứ và chất lượng sản phẩm là tất yếu.
Dự án Traceverified khảo sát một vùng trồng thanh long tại Bình Thuận.
Về việc truy xuất nguồn gốc, thế giới cũng như Việt Nam đã có quy định. Ví dụ: Luật chống khủng bố sinh học của Mỹ, quy định về truy xuất nguồn gốc của cộng đồng Châu Âu, ở VN có thông tư số 03 và 72 của Bộ nông nghiệp phát triển nông thôn.
Ở các quốc gia trên thế giới, hệ thống tiêu chuẩn nhà nước sẽ độc lập với các hệ thống siêu thị, các nhà bán lẻ. Ví dụ DN kinh doanh thực phẩm sạch bán ở thị trường Châu Âu được công nhận đạt chuẩn, nhưng muốn bán sản phẩm ở những siêu thị cụ thể thì hệ tiêu chuẩn độc lập cao hơn tiêu chuẩn nhà nước.
Tổ chức hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu GCF là đơn vị chuyên hỗ trợ các DN trong việc xây dựng công cụ truy xuất nguồn gốc, tập trung hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ trực trực tiếp cho doanh nghiệp. Cụ thể GCF, sẽ hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp, thuê chuyên gia nước ngoài chuyên tư vấn hỗ trợ truy xuất nguồn gốc. Thuê các chuyên gia về an toàn thực phẩm, chuyên gia về mã số mã vạch, tổ chức các khóa đào tạo cho doanh nghiệp về tăng cường nhận thức về an toàn thực phẩm, kỹ năng để họ thực hiện kỹ năng về nhập truy xuất, đào tạo để nâng cao năng lực quản lý của đơn vị sản xuất. |
Việc truy xuất nguồn gốc để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng là vấn đề cần phải làm ngay từ bây giờ. Đứng trước nhu cầu lớn đó, từ 2011, được sự hỗ trợ của tổ chức Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (GCF), một nhóm các nhà nghiên cứu của công ty Cổ phần KHCN Sắc ký Hải Đăng (TP.HCM) đã xây dựng dự án mang tên TraceVerified – truy xuất nguồn gốc điện tử.
Hiện nay, đa số các DN tại Việt Nam đều xây dựng quy trình truy xuất hàng hóa. Song, các đơn vị này không thực hiện việc truy xuất điện tử mà làm bằng tay. Mã số được sử dụng để truy xuất không phải người nào cũng có thể nhận biết được.
Tức là mã này theo những quy chuẩn chung tự đơn vị đặt mã nên chỉ đơn vị đó hiểu mã đó. Với cách làm này, khả năng DN hội nhập toàn cầu bị hạn chế vì cách làm truy xuất nguồn gốc thủ công này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Khi quản lý bằng giấy tờ, mã đó được in trên sản phẩm và khi vận chuyển đến, đơn vị nhận hàng phải chụp hình mã đó gửi về và đơn vị xuất hàng phải vào kho lục lại giấy tờ để kiểm tra, xác nhận. Đây là phương pháp làm thủ công gây nhiều khó chịu cho các doanh nghiệp do có quá nhiều hàng hóa và có quá nhiều nguồn khác nhau.
Mã truy xuất của TraceVerified là đơn nhất trên toàn cầu.
Bài toán này trở nên dễ dàng hơn khi sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử. Với phương pháp này, đơn vị sản xuất sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý hồ sơ, giấy tờ trên máy tính. Tất cả thông tin sản phẩm được lưu trữ vào máy chủ, dễ dàng truy xuất. Lô hàng mới đóng gói đã được đưa thông tin lên mạng chưa ra khỏi nhà máy nhưng bên người bán đã xem được thông tin lô hàng.
Khi dùng hệ công cụ này và sử dụng tem truy xuất QR code, người tiêu dùng có thể sử dụng smartphone chụp lại tem truy xuất và có thể biết được mọi thông tin về sản phẩm mình đang chuẩn bị mua.
“Hệ thống này nhà sản xuất không cần đầu tư nhiều, chỉ cần đầu tư những khóa học đào tạo ghi chép thông tin sản phẩm lên phần mềm cho nhân viên là có thể sử dụng dịch vụ”- ông Lý Hoàng Hải, phó giám đốc Traceverified cho biết.
Phần mềm sẽ được điều chỉnh để phù hợp với từng nhà sản xuất, từng chuỗi sản xuất. Kể cả các nhà sản xuất rau nhưng có đặc thù riêng, muốn đưa thông tin riêng thì hệ thống sẽ điều chỉnh lại để phù hợp với từng chuỗi sản xuất cụ thể. Khi DN làm việc này ngoài môi trường internet, thiết bị điện tử, bố trí vài người họ cũng phải có máy in mã tem QR code để người tiêu dùng có thể đọc được.
Các DN cần coi truy xuất nguồn gốc là nhiệm vụ phải làm
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, giám đốc dự án TraceVerified, các DN khác có thể làm được công nghệ truy xuất nguồn gốc. Song, để đảm bảo độ tin cậy của thông tin sản phẩm, phải có một đơn vị độc lập cung cấp công cụ thông tin.
Nhà sản xuất sau khi đưa thông tin sản phẩm lên hệ thống sẽ không thể điều chỉnh lại được ngay sau đó. Mã số lô hàng là mã số đơn nhất trên toàn cầu, không có trùng lặp. Nếu doanh nghiệp tự thực hiện việc nhập thông tin truy xuât nguồn gốc lên hệ thống thì DN cũng có thể điều chỉnh được thông số sản phẩm, việc thông tin sản phẩm không thật là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Bà Nguyễn Hồng Minh tại hội chợ Vietfish 2015.
Để huy động sự hợp tác của các đơn vị sản xuất sản phẩm sạch đạt các chuẩn mực quốc tế, các thành viên trong dự án TraceVerified đã Tham gia các hội nghề nghiệp, hội thảo về an toàn thực phẩm của các Hội nghề nghiệp.
Thông qua những sự kiện này, các thành viên sẽ đến đến giới thiệu, quảng bá sự cần thiết của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng phương tiện điện tử, những lợi ích của phương pháp truy xuất điện tử nhằm nâng cao nhận thức của các đơn vị sản xuất. Ngoài ra, TraceVerified đã tổ chức truyền thông với 200 hợp tác xã nông nghiệp, gặp gỡ các nhà cung cấp rau của Coopmart để giới thiệu hệ thống.
“Đây là vấn đề rất mới vì ở VN văn hóa cung cấp thông tin minh bạch không có. Các DN, đơn vị sản xuất cần phải có thời gian để hiểu và hướng đến cách làm này” – bà Minh cho biết.
Ngoài ra, dự án còn được đầu tư trang web, facebook… cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng về công nghệ truy xuất nguồn gốc điện tử.
Nhiều DN có dây chuyền sản xuất phức tạp, nên phải có hệ thống truy xuất nội bộ để quản lý thông tin sản phẩm. Việc thực hiện tốt công việc truy xuất nội bộ thì việc áp dụng hệ thống truy xuất điện tử sẽ được thực hiện dễ dàng hơn.
Để thực hiện việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, TraceVerified sẽ tiến hành khảo sát chuỗi sản xuất của nhà sản xuất đã đáp ứng được yêu cầu về thực phẩm sạch. Sau đó sẽ thiết kế lại, sửa chữa lại phần mềm truy xuất, thông tin truy xuất mà người tiêu dùng có thể đọc được. Báo cáo truy xuất sẽ điều chỉnh lại theo yêu cầu của nhà sản xuất. Sau đó, hướng dẫn chạy hệ thống.
Hệ thống này chỉ là công cụ, đơn vị sản xuất phải có trách nhiệm cung cấp thông tin trong từng khâu một, chứng chỉ kiểm nghiệm của nhà sản xuất.
Theo bà Minh dự đoán, trong năm 2016, số lượng các DN tham gia vào xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử sẽ có từ 30-40 đơn vị.
Hiện nay, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có những thông tư quy định về truy xuất nguồn gốc, luật vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện và thời hạn thực hiện chưa được chú trọng.
“Thiết nghĩ, nhà nước phải có quy định thời hạn thực hiện trong việc truy xuất nguồn gốc với các đơn vị sản xuất. Tất cả các đơn vị sản xuất thực phẩm phải thực hiện việc truy xuất nguồn gốc như đối với nhà sản xuất nông nghiệp phải đạt tiêu chuẩn PGS, nhà sản xuất chế biến đạt tiêu chuẩn HACCP…” – bà Minh đề xuất.
Trong thời gian tới, dự án Traceverified sẽ đề xuất với Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn thành lâp liên minh thực phẩm sạch để kết nối các nhà sản xuất thực phẩm có trách nhiệm.
Hiện nay ở nước ta đã hình thành một đội ngũ những DN sản xuất sản phẩm sạch và tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên họ quá nhỏ nhoi để xây dựng sản phẩm uy tín với thị trường.
Tới thời điểm này, đã có một số dự án hỗ trợ của chính phủ giúp nông dân sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên khi triển khai xong dự án, sự hỗ trợ không còn thì nông dân cũng không làm vì họ không cách làm cho thị trường biết đến sản phẩm đạt chuẩn và người tiêu dùng cũng không biết mua sản phẩm đó ở đâu. Và các DN cũng như vậy sau khi kết thúc dự án, không còn nhận được sự hỗ trợ, khiến họ không có động lực để tiếp tục vì sản phẩm không thật sự có chỗ đứng trên thị trường.
“Do đó, chúng ta phải giúp doanh nghiệp về mặt marketting, phát triển thị trường. Vì thế cần một liên minh thực phẩm sạch để đoàn kết lại cùng hỗ trợ lẫn nhau để tạo dựng một thương hiệu sản phẩm sạch, dễ dàng truy xuất nguồn gốc đến tay người tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu” – bà Minh cho biết.