Chỉ tính riêng trong một tháng qua, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện 17 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính số tiền trên 80 triệu đồng. Vấn đề đặt ra là không chỉ thực phẩm quá hạn được phát hiện mà ngay đến các loại thực phẩm đang được bày bán cũng thật khó để có thể nói là an toàn bởi trong tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ đều bộc lộ những bất cập.
Một trong những cơ sở nấu rượu ở xã Bình Lộc huyện Lộc Hà mà phóng viên đã thâm nhập, men rượu không nhãn mác, không ngày giờ sản xuất, không thời hạn sử dụng. Mỗi kg men giá chỉ 20.000 đồng có thể sản xuất hàng chục lít rượu. Lẽ dĩ nhiên đây là những cơ sở không nằm trong sự kiểm soát. Theo thống kê, mỗi ngày ở Hà Tĩnh có hàng trăm lít rượu tuồn ra thị trường nhưng trên thực tế chỉ có 16 cơ sở nấu rượu được cấp phép.
Hợp tác xã chăn nuôi lợn xã Thạch Long huyện Thạch Hà, được sự hỗ trợ của Dự án phát triển Nông nghiệp Hà Tĩnh, người chăn nuôi đã phải cập nhật số liệu về con giống, thức ăn, thú y qua phần mềm Trace Verified với mong muốn chứng minh cho người tiêu dùng về chất lượng đầu vào trong quá trình chăn nuôi. Thế nhưng cập nhật là một chuyện còn khai thác lại là chuyện khác. Quá trình xuất bán, hầu như không có bất cứ doanh nghiệp nào đặt vấn đề truy xuất nguồn gốc.
Không ai có nhu cầu truy xuất nguồn gốc, hoặc nếu có nhu cầu thì cũng chưa chắc đã đủ điều kiện để thực hiện truy xuất. Hệ quả là ngay đến những nông dân muốn làm ăn nghiêm túc thì cũng không thể hiện thực hóa được sự nghiêm túc của mình.
Trong sự dễ dãi chung thì điều tất yếu là nhiều nông sản đã được làm ra không theo bất cứ một quy trình an toàn nào. Và đây chính là sự tiềm ẩn thường trực về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo xác nhận của Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Hà Tĩnh hiện có khoảng 40 mô hình trồng rau an toàn, 30 mô hình chăn nuôi theo hướng Viet Gap. Đây là con số hết sức khiêm tốn trong số hàng nghìn cơ sở sản xuất nông sản. Và ngay đến những cơ sở sản xuất được tiếng là an toàn thì sự xác nhận về mức độ an toàn cũng không phải được duy trì thường xuyên. Đơn giản vì cơ quan chức năng thì luôn thiếu thốn trang thiết bị đánh giá kiểm định, người tiêu dùng thì hoặc là không có điều kiện, hoặc là chấp nhận phó mặc trong việc đón nhận sản phẩm như là một thói quen dễ dãi.