Để tăng cường hiệu quả và nhân rộng mô hình truy xuất nguồn gốc (TXNG) nông sản thực phẩm, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chung tay góp sức của cả chính quyền, DN và người dân.
Truy xuất nguồn gốc điện tử thực phẩm đang là xu hướng tiêu dùng mới
Do đây là lần đầu tiên TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội áp dụng TXNG nông sản thực phẩm trên quy mô lớn nên trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, theo đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, do sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc vào thời tiết, có tính thời vụ nên ảnh hưởng đến công tác dán tem QR code. Bên cạnh đó, số lượng sản phẩm được dán mã còn ít so với tổng sản phẩm phân phối của DN nên chưa tạo được hiệu ứng lớn đối với người tiêu dùng (NTD). Ngoài ra, nhiều ý kiến băn khoăn: Liệu DN có tự dán tem lên những sản phẩm không rõ nguồn gốc để bán ra thị trường hoặc “mua – bán” tem QR code?… Ngoài ra, chương trình mới chủ yếu áp dụng đối với các hộ trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn và đã là nhà cung cấp cho các nhà phân phối; phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đăng ký tham gia, chưa có thói quen sử dụng và tiếp cận thiết bị công nghệ thông tin hiện đại.
Ông Nguyễn Tiến Hưng – Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen (chuỗi thực phẩm sạch BigGreen) – cho biết: Một số DN tự làm rồi công bố thông tin, không có tổ chức nào chứng nhận nên độ tin cậy không cao. Do vậy, ở nhiều cửa hàng thực phẩm sạch, mặc dù có mã QR code để kiểm tra nhưng NTD chưa tin hoàn toàn vào những thông tin ghi trên mã này.
Để NTD tin tưởng hơn vào TXNG, ông Trần Mạnh Chiến – Giám đốc Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm – kiến nghị: Cần có đơn vị kiểm định, chứng nhận quá trình sản xuất của DN. “Bên kiểm định độc lập này sẽ giám sát, điều tra toàn bộ quy trình. Nếu đơn vị nào sai phạm sẽ xử phạt nặng. Có như vậy, NTD mới yên tâm với chất lượng nông sản được truy xuất” – ông Chiến đề xuất.
Theo ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục nhân rộng TXNG ra nhiều sản phẩm khác, trong đó có thịt gia cầm. Để mô hình này có thể đi sâu vào cuộc sống, công tác tuyên truyền cho các DN, cơ sở sản xuất, NTD đặc biệt quan trọng.
Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam – cho hay, sẽ xây dựng hệ thống camera giám sát tại ruộng, giám sát các xe vận chuyển để NTD có thể truy xuất và biết toàn bộ quá trình sản xuất cũng như đường đi của sản phẩm đã mua.
Tại phía Nam, để mở rộng chương trình, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh – Nguyễn Phương Đông nhấn mạnh, sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp các tỉnh tập huấn về quy trình TXNG cho các cơ sở chăn nuôi.
“Thực tế các công ty FDI làm rất tốt, riêng các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ chưa hội đủ điều kiện để tham gia và chúng tôi khuyến nghị họ cần thay đổi tập quán chăn nuôi theo lối tiểu nông, chuyển sang quy trình khép kín công nghiệp, từ đó dễ dàng tham gia vào chuỗi truy xuất” – ông Đông nói.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ lẻ, TP. Hồ Chí Minh quyết định hỗ trợ 50% chi phí công nghệ, thiết bị TXNG cho năm đầu tiên.
Bà Lê Việt Nga – Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Để thực hiện thành công TXNG, rất cần sự phối hợp liên ngành, liên địa phương trong quản lý chất lượng nông sản thực phẩm đầu vào.
Công thương