Cùng với các loại cây nhiệt đới như dưa hấu, vải, nhãn, chuối, thanh long; từ ngày 01/07/2022 quả chanh leo ở Việt Nam chính thức được xuất khẩu thí điểm vào thị trường Trung Quốc sau 6 năm đàm phán. Bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ cho phép nhập khẩu quả chanh leo tươi của Việt Nam qua 7 cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cụ thể: Hữu Nghị quan; Pò Chài; Ga Đường sắt Bằng Tường; Bằng Tường, Đông Hưng, Long Bang và Thủy Khẩu.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai cho biết tỉnh vừa đưa chanh leo vào danh sách một trong 4 cây ăn quả chủ lực của tỉnh và có diện tích lớn nhất cả nước với 4.000 ha. Theo Cục Trồng trọt, chanh leo nằm trong top 10 loại cây ăn quả có giá trị xuất khẩu cao nhất năm 2021. Trong 5 năm qua, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh leo của Việt Nam đã tăng hơn 300%; xuất khẩu chanh leo của Việt Nam chỉ đứng sau Peru, Ecuador và Brazil.
Hiện Việt Nam có 46 địa phương trồng và sản xuất chanh leo với hơn 6.000 ha, sản lượng đạt hơn 111 nghìn tấn/năm, năng suất bình quân đạt 22,67 tấn/ha. Trong năm nay sản lượng chanh leo ước tính đạt 135 nghìn tấn, được trồng tập trung tại Gia Lai và Đắk Lắk. Chanh leo Việt Nam đã xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch và an toàn thực phẩm như: Đức, Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan và Thụy Sĩ. Bộ đang đàm phán mở cửa thị trường cho quả chanh leo tươi vào các thị trường lớn khác như Úc, Nhật Bản, Thái Lan.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị các vùng trồng và cơ sở đóng gói chanh leo phải được đăng ký và phê duyệt bởi Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Cục Bảo vệ thực vật. Căn cứ vào kết quả xuất khẩu thí điểm, hai bên sẽ tiến hành đánh giá tình hình xuất nhập quả chanh leo tươi của Việt Nam để làm cơ sở tiến tới ký kết Nghị định thư chính thức về kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo Việt Nam.
Để chanh leo của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch và bền vững sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nhận diện một số rủi ro có thể gặp phải như: nguy cơ ùn tắt hàng hóa vào dịp cao điểm; Nguy cơ lừa đảo thanh toán ép cấp, ép giá do không có hợp đồng rõ ràng; gây hiểu lầm cho doanh nghiệp và khó khăn cho công tác mở cửa thị trường của cơ quan quản lý; ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của hàng Việt Nam.
Mặc dù đã hình thành các vùng trồng tập trung và xây dựng mã số vùng trồng, tuy nhiên qua rà soát hiện còn rất ít, mới có 2/28 mã số vùng trồng và 2/4 mã số cơ sở đóng gói đang hoạt động. Việc chanh leo được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc là một tín hiệu đáng mừng nhưng để giữ và phát triển được thị trường sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn như: việc trồng trọt, chăm sóc theo tiêu chuẩn GAP gặp nhiều trở ngại do nhận thức còn hạn chế của một số hộ trồng;…
Trước những kiến nghị từ các địa phương, Cục Bảo vệ thực khẳng định sẽ thực hiện một loạt các hoạt động để hỗ trợ xuất khẩu chanh leo sang Trung Quốc như rà soát lại các vùng trồng, cơ sở đóng gói trước đây đã chuẩn bị, trên cơ sở hướng dẫn của phía nhập khẩu. Sau đó sẽ thống nhất lại danh sách mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc.
Để được tư vấn về cấp mã số vùng trồng, vui lòng liên hệ với TraceVerified qua thông tin:
– Số điện thoại: 0912501139
– Email: info@traceverified.com