Tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam, trong nhiều năm xuất khẩu tôm đóng góp cao nhất vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Lịch sử xuất khẩu tôm trong quá khứ
Từ những năm cuối thập kỷ 1991-2000, nuôi tôm thâm canh, công nghiệp mới bắt đầu được đầu tư phát triển. Tính đến nay, ngành tôm đã trải qua 30 năm xây dựng và phát triển với những nét chính:
Giai đoạn 1995 – 2000: Đây là giai đoạn sơ khai nuôi tôm công nghiệp nhưng, manh mún và tự phát, nghề nuôi tôm chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Tuy vậy trong giai đoạn này, đã xuất hiện một số cơ sở chế biến hiện đại đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào châu Âu, nhưng vẫn rất lúng túng trong quản lý nuôi thủy sản, nghề nuôi chủ yếu vẫn tự phát và tác động đến môi trường do sử dụng không kiểm soát thức ăn công nghiệp và chế phẩm sinh học. Sản phẩm chính trong giai đoạn này là các loại tôm sú và các loại tôm khai thác tự nhiên và đánh bắt. Năm 2000 lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu thủy sản vượt mức 1 tỷ USD.
Giai đoạn 2000 – 2010: Năm 2000, kim ngạch xuất khẩu tôm lần đầu vượt mức 600 triệu USD. Năm 2004, một số DN lớn bắt đầu khởi sự nhập tôm bố mẹ chân trắng để nhân giống, với sự ủng hộ của Lãnh đạo Chính phủ do vấp phải qui định chưa phù hợp của cơ quan quản lý thủy sản.
Năm 1999, lần đầu tiên Ủy Ban Châu Âu (EU Commision) ra văn bản công nhận 18 doanh nghiệp chế biến Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU, đánh dấu bước tiến hội nhập mới của thủy sản VN, là nền tảng quan trọng cho việc mở rộng xuất khẩu vào thị trường các nước công nghiệp khác. Giai đoạn này đánh dấu sự hội nhập mạnh mẽ, bước đầu đáp ứng các chuẩn mực quốc tế của ngành chế biến thủy sản.
Giai đoạn 2000 – 2010: Từ năm 2008, tôm thẻ chân trắng bắt đầu chính thức được nuôi ở Việt Nam. Năm 2014, xuất khẩu tôm gần chạm mốc 3.95 tỷ USD do có sự chuyển dịch lớn về diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Điều này đã tạo ra sự đột phá về kim ngạch xuất khẩu, do ưu thế về năng suất của tôm thẻ chân trắng so với tôm sú là rất lớn. Nguồn cung tôm thế giới giảm do dịch EMS, đồng thời nhu cầu tôm trên thị trường thế giới cũng bắt đầu tăng cao, kéo theo sự tăng trưởng về khối lượng và giá trị của tôm Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 20%/năm trong giai đoạn này.
Giai đoạn 2015 đến nay: Năm 2015, tình hình không thuận lợi cho ngành tôm Việt Nam do ảnh hưởng từ biến đổi thời tiết, và biến động tỷ giá trong nước. Đồng thời, giá tôm thế giới cũng giảm mạnh do chênh lệch cung – cầu ở các thị trường lớn. Nhưng từ 2016 đến nay, Xuất khẩu tôm hồi phục và liên tục tăng trưởng, chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng, trong khi nguồn cung tôm thế giới giảm. Bên cạnh đó là những nỗ lực của Việt Nam trong việc kiểm soát chất kháng sinh, chú trọng chất lượng sản phẩm hơn số lượng. Sự đa dạng hóa thị trường xuất khẩu với Trung Quốc, Nhật Bản, Canada,… đã giúp ngành tôm giảm phụ thuộc vào một vài thị trường chính, cũng như tác động từ việc áp thuế và hàng rào kỹ thuật từ các thị trường khó tính truyền thống như Mỹ, EU.
Việt Nam hiện là quốc gia nuôi tôm lớn trên thế giới, xuất khẩu đi hơn 100 quốc gia với kim ngạch xuất khẩu năm 2018 là 3,55 tỷ USD chiếm gần 15% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn thế giới. Năm 2019, XK tôm của Việt Nam đạt 3,36 tỷ USD, giảm 5,4% so với năm 2018. Mặc dù không đạt kết quả khả quan như kỳ vọng nhưng XK tôm Việt Nam sang các thị trường NK chính cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trong năm 2020.
Triển vọng tương lai
Qua số liệu từ năm 2015 đến năm 2019, trung bình mỗi năm dao động ở mức 3.4 -3.25 tỷ USD. Tính ra mức tăng trường trung bình hằng năm khá thấp, chưa đến 5%.
Theo hiệp hội VASEP nhìn về năm 2025 kỳ vọng xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD, gấp 3 lần so với con số năm 2019 vừa qua. Thị trường thế giới ngày càng khắt khe hơn đối với các mặt hàng xuất khẩu về chất lượng, giá thành, nhiều thị trường đòi hỏi phải có truy xuất nguồn gốc. Thị trường sản xuất tôm của Việt Nam cung đang ngày một phát triển hơn, đang đạt đẳng cấp cao của thế giới. Ở góc độ tăng giá thị trường, tăng giá bán sẽ không có chênh lệch nhiều với việc muốn tăng kim ngạch xuất khẩu. Trên thế giới, nhiều nước vẫn đang chú tâm chuyển đổi công nghệ nuôi để tôm có giá thành và giá bán rẻ hơn để tranh giành thị phần trên trường xuất khẩu. theo lý thuyết, để tăng kim ngạch xuất khẩu lên gần 3 lần vào năm 2025 thì sản lượng nuôi tôm cũng phải có tỷ lệ tăng tương ứng, ít ra cũng gấp 2.5 lần. Cụ thể, vào năm 2019 sản lượng tôm đạt 0.7 triệu tấn, năm 2025 phải đạt trên 1.7 triệu tấn. Một điểm nữa, hiện tại giá thành tôm Việt Nam đang cao hơn các nước từ 10 đến 20% thì phải có cuộc cách mạng để giá thành tôm thấp hơn ít nhất 10%. Khi đó thì con tôm Việt mới có đủ sức cạnh tranh và chiếm miếng bánh lớn hơn trên ngành xuất khẩu tôm với các cường quốc. Quả thật đây là một bài toán khó, không chỉ về sản lượng, giá thành, chất lượng, công nghệ, truy xuất nguồn gốc mà còn là khả năng cung cấp nhân lực chuyên môn, nhà xưởng, kho lạnh,…
Tóm lại, trong quá khứ con tôm Việt đã có nhiều bước chuyến mình lớn, tương lại có nhiều thách thức lớn cần vượt qua. Con số 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2025 sẽ là một mục tiêu thúc đẩy cho ngành tôm phát triển vượt bậc hơn.
Nguồn tham khảo: vasep.com.vn